GHI NHỚ NGAY 6 DẤU HIỆU CẦN THAY MẮT KÍNH MỚI

Mắt kính vốn dĩ là “vật bất ly thân” của những người bị tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị,… Nó là công cụ giúp cho đôi mắt chúng ta có được tầm nhìn rõ ràng trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, bởi nhiều nguyên nhân mà mắt kính có thể bị suy giảm tính năng hỗ trợ thị lực. Chỉ bằng những dấu hiệu đơn giản, bạn có thể biết được khi nào mình nên thay mắt kính mới.

Nhìn mờ

Nhờ khả năng tự điều chỉnh tiêu cự của mắt mà chúng ta có thể nhìn rõ hình ảnh mọi vật từ gần đến xa. Khi xảy ra tình trạng nhìn thấy cảnh vật lờ mờ, không rõ ràng, thì đó là dấu hiệu mắt bạn đã gặp phải vấn đề thị lực. 

Đối với người bình thường, đây là “tín hiệu báo động” bạn đang mắc phải tật cận thị (nhìn mờ ở khoảng cách xa) hay viễn thị (nhìn mờ ở khoảng cách gần) hoặc một bệnh lý khác. Do đó, bạn cần đến trung tâm khúc xạ uy tín để kiểm tra thị lực và đầu tư một chiếc kính thật phù hợp. Còn đối với người đã đeo kính thuốc, thì đây là lúc bạn nên thay mới cặp kính, vì khả năng cao rằng độ khúc xạ của bạn đã thay đổi.

Mỏi mắt

Mỏi mắt thường xuyên là “còi hú” cho biết sức khỏe của “cửa sổ tâm hồn” đang bị đe dọa. Khi bạn bắt đầu nhìn không rõ, cơ mắt phải hoạt động nhiều hơn, có lúc làm việc quá tập trung hay căng thẳng, khiến mắt mau mỏi, đau nhức, thậm chí là khô mắt hoặc chảy nước mắt quá nhiều. 

Đặc biệt, tình trạng mỏi mắt xảy ra với tần suất lớn hơn ở những người hay sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính để bàn, điện thoại di động, máy tính bảng và laptop. Họ là đối tượng dễ bị “hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số”, hay còn gọi là “hội chứng thị giác màn hình”, là thuật ngữ mô tả các vấn đề liên quan đến mắt và thị lực do nhìn vào màn hình các thiết bị điện tử trong thời gian dài. Các triệu chứng điển hình bao gồm đau đầu, khô mắt, đỏ mắt và thị lực mờ.

Nếu như vấn đề mỏi mắt của bạn rơi vào một trong hai, hay thậm chí bao gồm cả hai tình huống nêu trên, thì việc tiếp theo mà bạn cần phải làm là sắp xếp một cuộc hẹn với bác sĩ nhãn khoa hoặc trung tâm khúc xạ để can thiệp y tế và bảo vệ sức khỏe mắt bằng một cặp kính hữu ích.

Nheo mắt

Khi tầm nhìn không được tốt, chúng ta thường có xu hướng sẽ nheo mắt lại để cải thiện nó. Nheo mắt có thể giúp bạn nhìn thấy sự vật được rõ ràng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn nheo mắt liên tục trong khoảng thời gian dài đồng nghĩa với việc thị lực của bạn bị hạn chế và có dấu hiệu đi xuống. Giải pháp thiết thực đó là cần phải thay kính mới.

Đau đầu

Khi mắt phải điều tiết nhiều lần trong một khoảng thời gian dài, nó sẽ dẫn đến hậu quả là xuất hiện những cơn đau ở hốc mắt, thậm chí kéo theo tình trạng đau đầu. Không phải do sự chú tâm, tập trung cao độ khi đọc sách, “lướt” TikTok trên điện thoại di động hay chăm chú theo dõi một bộ phim gây cấn trên TV,… mới khiến cho bạn đau mắt, đau đầu. Mà đó là do độ khúc xạ của mắt bạn đã không còn đúng so với cặp kính đang đeo.

Ngay cả chiếc gọng kính cũng có thể là nguyên nhân gây ra cơn đau đầu triền miên. Nếu càng kính quá chật hoặc siết quá chặt vào đầu thì bạn có thể phải chỉnh lại gọng hoặc thay gọng mới. Kích thước gọng phù hợp so với gương mặt cũng rất quan trọng, nếu không nó sẽ khiến cho đầu bạn đau âm ỉ và khó chịu. Trong trường hợp này, bạn sẽ cần một cặp kính mới với kích thước phù hợp hơn.

Tròng kính hoặc gọng kính bị hư

Lý do đơn giản nhất và dễ dàng nhất để thay mắt kính mới chính là gọng kính hoặc tròng kính đã bị hư hỏng, xuống cấp hoặc không còn đảm bảo được tính năng hỗ trợ thị lực.

Tròng kính là bộ phận nhanh chóng bị “tổn thương” nhất. Do thói quen sử dụng không cẩn thận, những sự cố, sơ suất trong sinh hoạt hằng ngày hoặc lau chùi không đúng cách, mà tròng kính có thể bị trầy xước, nứt vỡ. Khi đó, tròng sẽ ngày càng mờ đi, ảnh hưởng đến khả năng quan sát và góp phần làm tăng độ khúc xạ. Bên cạnh đó, theo thời gian, những tròng kính có chất lượng thấp còn xảy ra hiện tượng bị ố vàng, làm giảm độ trong suốt, gây phiền toái cho người dùng khi quan sát ở vùng thiếu ánh sáng hoặc quá tối.

Gọng kính cũng có thể bị hư hỏng trong quá trình sử dụng. Do sự va đập, rơi rớt, chỉnh nắn của người dùng hay các tác động vật lý ngoài ý muốn khác mà gọng kính sẽ bị cong lệch, gãy vỡ, biến dạng so với ban đầu. Từ đó, nó không còn phù hợp với các bộ phận trên gương mặt, dẫn đến sự khó chịu khi đeo và phần nào làm sai lệch các thông số thị lực. Không những thế, dưới sự ảnh hưởng của thời gian và nhiều tác nhân môi trường như mồ hôi con người, nắng, gió, nước, nhiệt độ,… mà hình dáng, màu sắc, chất liệu của gọng kính cũng bị phai mờ, mài mòn, giảm chất lượng.

Đã lâu chưa đo khám mắt

Cũng giống như bao bộ phận khác trên cơ thể con người, mắt một khi đã bị bệnh, nhất là các tật khúc xạ, cũng phải có lịch trình đo khám thường xuyên. Lý do cần phải duy trì việc khám mắt định kỳ là bởi thị lực thường bị giảm sút rất nhanh khi mắc các bệnh về mắt. Vì vậy, việc duy trì khám mắt định kỳ là phương pháp hữu hiệu giúp tầm soát sức khỏe đôi mắt. Bên cạnh đó, nhiều bệnh về mắt thường không có triệu chứng cụ thể, đôi khi âm thầm xảy ra, nhưng lại gây ảnh hưởng đến thị lực, chỉ có thể phát hiện khi đi thăm khám.

Với mỗi độ tuổi và tình trạng sức khỏe mắt khác nhau, các chuyên gia nhãn khoa sẽ quy định thời gian khám mắt tương ứng. Với trẻ em, nên được kiểm tra thị lực vào mỗi lần khám sức khỏe định kỳ. Trẻ từ 6 – 17 tuổi cần kiểm tra mắt định kỳ 1-2 lần/ năm; nếu trẻ bị tật khúc xạ nên đi đo kính mỗi 6 tháng/ lần để lấy độ phù hợp. Người từ 18 tuổi trở lên nên đi kiểm tra mắt 1 năm/ lần để đảm bảo an toàn sức khỏe của đôi mắt.

Vì thế, nếu đã “lỡ hẹn” với bác sĩ chuyên khoa mắt hoặc các trung tâm khúc xạ quá lâu so với thời gian tái khám định kỳ, thì bạn nên “tranh thủ” đi đo khám và cắt kính mới phù hợp với độ của mắt. Có như thế, sức khỏe mắt của bạn mới ổn định và không xảy ra các biến chứng, di chứng nguy hiểm.